Bệnh viên Âu Cơ

Hiếm muộn và những kiến thức cơ bản

Đăng ngày: 26-12-2016 10:29 am

Cưới nhau được một thời gian, không sử dụng một biện pháp tránh thai nào mà vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào của việc mang thai làm nhiều cặp vợ chồng trẻ sốt sắng. Trên thực tế, sau khi cưới một năm, khi cả hai đã cùng sống chung, đều cố gắng mang thai mà vẫn chưa có thai thì đó là dấu hiệu của hiếm muộn. Bài viết dưới đây chúng tôi xin chia sẻ những kiến thức tổng quan nhất về hiện tượng này.

Hiếm muộn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, phía vợ hoặc chồng hay cả hai nhưng nhìn chung, dù nguyên nhân đến từ ai đi chăng nữa, nỗi đau vẫn san đều cho cả hai phía. Nhiều người không thể chấp nhận cùng nhau đi đến cuối chặng đường hôn nhân cũng vì lý do này. Lại cũng có cặp vợ chồng dù còn rất yêu nhau, chấp nhận cuộc sống gia đình thiếu trọn vẹn nhưng họ lại chịu phải nhiều áp lực từ phía gia đình hai bên – nhất là khi người chồng là con trưởng hoặc “độc tôn” của dòng họ. Mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng hạnh phúc gia đình quả thực sẽ rất khó giữ gìn khi hai vợ chồng không thực hiện được thiên chức thiêng liêng của mình: làm cha, làm mẹ.

Như thế nào được gọi là hiếm muộn?

Một cặp vợ chồng được coi là hiếm muộn, vô sinh khi cả hai đã cùng chung sống và cố gắng mang thai (không dùng bất cứ biện pháp tránh thai nào) trong vòng 1 năm liền nhưng vẫn không có bất cứ kết quả gì. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, các cặp vợ chồng trẻ (trên 35 tuổi) có sức khỏe sinh sản khỏe mạnh bình thường, mỗi tháng sẽ có khoảng 20% cơ hội thụ thai. Chính vì vậy, nếu họ không áp dụng bất cứ biện pháp tránh thai nào thì có khoảng 90% sẽ có con sau 1 năm chúng sống. Tuy nhiên, khả năng sinh sản của cả vợ và chồng còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Yếu tố đầu tiên phải kể đến là tuổi tác. Cơ hội thụ thai của mỗi người tỷ lệ nghịch với số tuổi của họ. Điều này có nghĩa là tuổi càng cao thì khả năng thụ thai càng giảm. Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, phụ nữ dưới 25 tuổi có khả năng thụ thai cao nhất (họ chỉ cần sinh hoạt vợ chồng đều đặn sau 2-3 tháng là có thể mang bầu), trong khi thời gian này đối với phụ nữ trên 35 tuổi là 6 tháng hoặc nhiều hơn thế. Tương tự như phụ nữ, ở nam giới cũng có sự liên quan đến tuổi tác và chất lượng tinh trùng. Khả năng sinh sản ở nam giới bắt đầu suy yếu từ tuổi 40 và thường giảm rõ rệt sau tuổi 60.

Hiểm muộn có phải do vợ hay do chồng?

Trước hết phải khẳng định một điều chắc chắn rằng, hiếm muộn có thể do nguyên nhân từ bất cứ người chồng hoặc vợ (chứ không chỉ do người vợ - như quan niệm nhiều người vẫn nghĩ). Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, khoảng 30% trường hợp nguyên nhân hiếm muộn là hoàn toàn do chồng, 30% nguyên nhân do vợ và phần còn lại là do nguyên nhân từ cả hai vợ chồng. Do đó, việc đi khám và tìm kiếm nguyên nhân gây vô sinh – hiếm muộn cần phải có mặt cả hai vợ chồng.

Nguyên nhân nào gây hiếm muộn?

Có rất nhiều nguyên nhân gây hiếm muộn – vô sinh ở cả nam và nữ giới. Dưới đây chúng tôi chỉ liệt kê những nguyên nhân phổ biến nhất: Ở nam giới:

  •    Không có tinh trùng
  •    Tinh trùng yếu
  •    Tinh trùng quá ít
  •    Chứng xuất tinh sớm
  •   Xuất tinh ngược dòng (tinh dịch không được phóng ra ngoài, mà chảy ngược vào bàng quang, sau đó được đi tiểu ra ngoài).

Ở phụ nữ :

  •    Tắc vòi trứng
  •    Không rụng trứng hoặc trứng rụng không đều
  •    Bệnh lạc nội mạc tử cung
  •    Bệnh u xơ tử cung
  •    Các bệnh khác ở vùng kín.

Bên cạnh đó, có những trường hợp cả hai vợ chồng đều có sức khỏe sinh sản bình thường nhưng tinh trùng người chồng không thích hợp với chất nhầy ở cổ tử cung người vợ, làm cho tinh trùng bị chết và không đi vào đường sinh dục nữ được. Trường hợp này thường được chẩn đoán bằng xét nghiệm sau giao hợp. Ngoài ra còn rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của cả hai vợ chồng như môi trường ô nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tỷ lệ nạo phá thai nhiều lần hoặc phụ nữ lập gia đình quá muộn… 

Khi nào cần khám hiếm muộn – vô sinh?

Hiếm muộn vô sinh là một vấn đề mà các cặp vợ chồng cần quan tâm khi bạn quyết định lập gia đình và có con. Bạn nên đi khám sức khỏe tổng thể của cả hai vợ chồng khi lập kế hoạch thụ thai để xác định khả năng sinh sản cần thiết của mình.

Trong trường hợp, hai bạn đã cố gắng trong vòng 1 năm mà vẫn không có dấu hiệu bầu bí, bạn cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để tìm hiểu nguyên nhân. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp bạn nên đi khám sớm hơn (khoảng 6 tháng) nếu bạn nghi ngờ về khả năng sinh sản của vợ, chồng hoặc bạn đã quá 35 tuổi. 

Các phương pháp điều trị hiếm muộn hiện nay?

  •    Hướng dẫn cách canh thời rụng trứng và giao hợp thời điểm rụng trứng.
  •    Kích thích buồng trứng bằng thuốc để làm cho có trứng rụng ( đối với trường hợp không rụng trứng ) hoặc làm tăng số   trứng rụng (bình thường mỗi tháng chỉ có một trứng ) để tăng khả năng có thai .
  •    Bơm tinh trùng đã lọc, rửa vào buồng tử cung-IUI (hay còn gọi là thụ tinh nhân tạo ), phương pháp này thường kết hợp với dùng thuốc kích thích buồng trứng.
  •    Thụ tinh trong ống nghiệm – IVF (khác với thụ tinh nhân tạo ) chủ yếu cho những người bị tắc 2 vòi trứng.
  •    Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng – ICSI: cho những người tinh trùng quá yếu và quá ít.